Rút kinh nghiệm những vi phạm về án phí, lệ phí trong giải quyết án dân sự

Thông qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm; giám đốc thẩm, giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại HN thấy có một số bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm có vi phạm về án phí, những vi phạm là: Không buộc đương sự phải chịu án phí trong khi đương sự không phải đối tượng được miễn; đương sự không phải chịu án phí nhưng vẫn buộc đương sự thực hiện nghĩa vụ án phí; tính mức án phí hoặc giảm trừ khoản tiền án phí không đúng; đương sự chỉ phải chịu án phí không có giá ngạch nhưng bản án tuyên đương sự chịu án phí có giá ngạch hoặc ngược lại và một số vi phạm khác, cụ thể:

1. Các vi phạm về án phí

1.1. Không buộc đương sự phải thực hiện nghĩa vụ án phí

Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự số 01/2020/QĐST-DS ngày 20/01/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh NA giải quyết vụ án tranh chấp “Yêu cầu chia thừa kế” giữa nguyên đơn là ông Đào Hữu Tứ với bị đơn là bà Hoàng Thị Phiên, quyết định giao cho “Nhà thờ họ Đào” được quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 258,4m2 có giá trị 51.680.000đ là không chính xác vì “nhà thờ” là loại hình bất động sản, không phải là chủ thể tham gia tố tụng, đồng thời không buộc đương sự nào trong vụ án phải chịu án phí đối với phần tài sản này là không đúng quy định tại điểm a, khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (viết tắt là Nghị quyết 326).

1.2. Đương sự không phải nộp án phí nhưng buộc đương sự phải chịu án phí không đúng pháp luật

Vụ án “Tranh chấp hợp đồng thuê đất” do Tòa án nhân dân thành phố HP giải quyết giữa nguyên đơn là UBND xã Tân Viên, huyện AL và bị đơn là ông Nguyễn Văn Thản, Bản án sơ thẩm số 42/2019/DS-ST quyết định: Ông Thản phải trả toàn bộ diện tích đất đang quản lý cho UBND xã Tân Viên, UBND xã bồi thường thiệt hại cho ông Thản 2.294.070.165 đồng, về án phí, UBND xã Tân Viên phải chịu 77.881.403 đồng.

Việc bản án sơ thẩm quyết định UBND xã Tân Viên phải chịu án phí là không đúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị quyết số 326, điều luật quy định: Những trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, không phải chịu án phí: “b, Cơ quan, tổ chúc, cá nhân khởi kiện vụ án dân sự hoặc kháng cáo bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích họp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước theo quy định tại Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự...”.

1.3. Áp dụng quy đinh về án phí có giá ngạch hoặc không có giá ngạch thiếu chính xác

1.3.1. Không buộc đương sự phải chịu án phí có giá ngạch

Vụ thứ nhất: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 05/2020/QĐST-DS ngày 21/08/2020 Tòa án nhân dân huyện LS, tỉnh HB, ghi nhận: Chị Hoàng Thị Hồng Phượng và anh Trịnh Ngọc Tân (bị đơn), mỗi người phải trả cho ông Võ Ngọc Lâm (nguyên đơn) số tiền 355.000.000 đồng. Phần án phí, ông Lâm tự nguyện nộp 150.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 15.000.000đ. Hoàn tra lại cho ông Lâm số tiền 14.850.000 đồng.

Đây là vụ án tranh chấp họp đồng vay tài sản nên các đương sự phải chịu án phí có giá ngạch quy định tại khoản 2, Điều 24 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (viết tắt là Nghị quyết 326). Do các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, nên ông Lâm, chị Phượng, anh Tân chỉ phải chịu 50% mức án phí là 16.200.000 triệu đồng theo khoản 7, Điều 26 Nghị quyết số 326. Tòa án nhân dân huyện LS, tỉnh HB ghi nhận ông Lâm tự nguyện nộp 150.000 đồng án phí dân sự là không đúng pháp luật, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước 16.050.000 đồng.

Các vi phạm trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh HB phát hiện và báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân câp cao tại HN đã kháng nghị giám đốc thẩm vụ án trên.

Vụ thứ hai: Quyết định công nhận sự thỏa thuận cua đương sự số 02/2011/QĐST- DS ngày 14/4/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh HG giải quyết tranh chấp vụ “chia di sản thừa kế” giữa các nguyên đơn Phạm Văn Mạnh, chị Phan Thị Bình, chị Phan Thị Nguyệt và bị đơn ông Phan Văn Tọa, công nhận việc thỏa thuận phân chia 1230m2 đất ở và diện tích đất rừng, đất lúa cho những người trong hàng thừa kế. về án phí, anh Mạnh phải chịu 300.000đ án phí.

Các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án trước khi mở phiên tòa, nên chỉ phải chịu 50% án phí nhưng là án phí có giá ngạch trong vụ án chia thừa kế theo quy định tại điểm a khoản 7 điều 27 Nghị quyết 326, cụ thể: “Đối với vụ án liên quan đến chia tài sản chung, di sản thừa kế thì nghĩa vụ chịu án phí được xác định như sau:.. .mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối tài sản chung hoặc trong khối di sản thùa kế”. Việc Bản án sơ thẩm chỉ tính án phí không có giá ngạch, ghi nhận anh Mạnh nguyên đơn chịu 300.000đ án phí là không chính xác.

1.3.2. Buộc đương sự phải chịu án phí có giá ngạch không đúng

Vụ án “Kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Cán và bị đơn là Nguyễn Thị Oanh. Nguyên đơn khởi kiện buộc bà Oanh phải trả lại 02 thửa đất có diện tích 2060m2 và 1140m2; yêu cầu hủy cả hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Oanh. Quan hệ tranh chấp của vụ án là kiện đòi tài sản nên án phí phải được tính án phí không có giá ngạch. Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2021/DSST ngày 26/4/2021 của Toà án nhân dân tỉnh TN chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận quyền sử dụng của cụ Nguyễn Thị Cán đối với diện tích đất 2.060m2, tuy nhiên phần án phí, buộc đương sự phải chịu án phí có giá ngạch là không đúng quy định tại theo điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326. Điều luật quy định “ a) Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất của ai thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch”.

1.4. Các vi phạm khác

1.4.1. Đổi trừ nghĩa vụ chịu án phí giữa các đương sự không đúng pháp luật

Vụ án “Tranh chấp đòi tiền gửi tiết kiệm, tuyên bố hợp đồng tặng cho tài sản và di chúc vô hiệu” giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thủy (Thích Minh Nguyệt), bà Lê Thị Thúy (Thích Minh Đãng) với bị đơn là Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương: Quá trình giải quyết vụ án, bà Thủy, bà Thúy, mồi người đã nộp 21.918.880 đồng, Bản án sơ thẩm tuyên bà Thủy và bà Thúy phải chịu chung 113.042.942 đồng án phí và đối trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp. Bản án dân sự phúc thẩm số 33/2020/DS-PT ngày 26/6/2020 của Tòa án nhân dân thành phố HP giữ nguyên án sơ thẩm nhưng lại sửa án phí và chỉ buộc nguyên đơn phải chịu 87.754.308 đồng (giảm 25.288.634 đồng) là mâu thuẫn và không nêu rõ căn cứ sửa án phí. Bản án phúc thẩm không tuyên trả lại số tiền án tạm ứng án phí cho bà Cước (bà Thúy chết ở giai đoạn phúc thẩm, bà Cước kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà Thúy là người cao tuổi nên được miễn án phí) mà đối trừ số tiền tạm ứng án phí cho bà Thủy là không có căn cứ, xâm phạm lợi ích của bà Cước.

Vi phạm trên, cùng các vi phạm khác đã được Viện kiểm sát nhân dân thành phố HP phát hiện và đề nghị kháng nghị, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại HN đã kháng nghị giám đốc thẩm và được Tòa án nhân dân cấp cao tại HN chấp nhận toàn bộ kháng nghị.

1.4.2. Chỉ buộc đương sự chịu 50% án phí phải nộp không đúng quy định

Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2020/HNGĐ-ST ngày 26/8/2020 cua Tòa án nhân dân huyện LS, tỉnh HB buộc anh Linh phải chịu 36.000.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, chị Nhi phải chịu 1.954.800 đồng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án “Chia tài sản sau ly hôn” là đúng quy định tại điểm b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn và bị đơn thỏa thuận đuợc với nhau về việc giải quyết toàn bộ nội dung vụ án, cụ thể: về tài sản chung, công nợ chung: Đề nghị Tòa án xác nhận hai thửa đất gồm thửa số 71 và thửa số 164 là tài sản chung của anh Linh và chị Nhi trong thời kỳ hôn nhân và chỉ yêu cầu chia đối với hai thửa đất này. Anh Linh được toàn quyền sử dụng hai thửa đất và chịu trách nhiệm trả toàn bộ số nợ chung trong thời kỳ hôn nhân. Anh Linh thanh toán cho chị Nhi 600.000.000 đồng. Theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Nghị quyết 326 thì “Trường họp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm thì đương sự kháng cáo phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm, về án phí dân sự sơ thẩm, nếu các đương sự tự thỏa thuận được với nhau thì các đương sự chịu án phí dân sự sơ thẩm theo thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì tòa án xác định lại án phí dân sự sơ thẩm theo nội dung thỏa thuận về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm”.

Do các đương sự không thỏa thuận với nhau về án phí dân sự sơ thẩm nên anh Linh phải chịu 11.954.800 đồng tương ứng với số tài sản được chia trị giá là 239.096.000 đồng; chị Nhi phải chịu 28.000.000 đồng tương ứng với số tài sản được chia là 600.000.000 đồng. Bản án phúc thẩm tuyên các đương sự chỉ phải chịu 50% mức án phí dân sự có giá ngạch, cụ thể: Anh Linh chịu 5.977.400 đồng, chị Nhi chịu 14.000.000 đồng án phí sơ thẩm là không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước với số tiền 19.977.400 đồng.

Vụ án này đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh HB báo cáo đề nghị và được Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại HN kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

2. Những nội dung cần rút kinh nghiệm

2.1. Trên cơ sở nghiên cứu các vụ án có vi phạm về án phí, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại HN đã tập họp và rút ra một số dạng vi phạm cơ bản về án phí nêu trên. Trong số này, có vi phạm được Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh phát hiện, báo cáo đề nghị Viện kiểm sát nhân dân cấp cao kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tuy nhiên vẫn còn một số vi phạm chưa được phát hiện. Thông qua công tác giải quyết án, giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại HN đã phát hiện, tổng hợp vi phạm, ban hành kiến nghị, chấn chỉnh, khắc phục đối với những vi phạm đã xảy ra, được Tòa án chấp nhận.

2.2. Quá trình giải quyết vụ án; kiểm sát bản án, quyết định, Kiểm sát viên, người nghiên cứu vụ án cần xác định đúng quan hệ pháp luật cần giải quyết; phạm vi yêu cầu khởi kiện của đương sự; quyết định của Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, trên cơ sở đó đối chiếu với quy định của Luật phí và lệ phí năm 2015, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uy ban thường vụ Quốc hội để phát hiện những bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm. Khi phát hiện được vi phạm, các Viện kiểm sát cần thực hiện triệt đê quyền kháng nghị, kiến nghị hoặc báo cáo Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị theo thẩm quyền để đảm bảo việc chấp hành pháp luật được nghiêm chỉnh và thống nhất, đồng thời bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự, lợi ích của nhà nước.

أحدث أقدم

Quảng cáo Desktop

CHỦ ĐỀ HÓT