Xác định người gây thương tích cho bị hại là căn cứ quan trọng để xét xử - Trong vụ án cố ý gây thương tích

Việc xác định thương tích của người bị hại (bà Thu) do ai gây ra là một trong những căn cứ quan trọng để xét xử các bị cáo;  và việc tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với Trịnh Thị Kim Thức, Nguyễn Thị Nhớ và Nguyễn Văn Thành là không đúng pháp luật. Là một trong những nội dung rút kinh nghiệm
Xác định người gây thương tích cho bị hại là căn cứ quan trọng để xét xử - Trong vụ án cố ý gây thương tích

Thông qua công tác giám đốc thẩm vụ án Phan Phước Sơn phạm tội “Cố ý gây thương tích ” bị giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng thông báo đến Viện kiểm sát địa phương nghiên cứu rút kinh nghiệm, cụ thể như sau:

1. Nội dung vụ án và quá trình tố tụng

Vào chiều ngày 24/01/2015,.bà Tô Thị Thu và Nguyễn Thị Nhớ (hàng xóm) xảy ra mâu thuẫn xô xát nhau, các con bà Thu xông vào đánh Nhớ, bà Thu can ngăn thì bị Hồ Văn Hoàng (con trai bà Thu) xô đẩy làm bà Thu bị té ngã.

Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, Nguyễn Thị Nhớ gọi điện cho Trịnh Thị Kim Thức (dì ruột) ở thành phố N. nói gia đình Nhớ bị gia đình bà Thu đánh. Trịnh Thị Kim Thức nói lại với Nguyễn Văn Thành (chồng Thức) và Phan Phước Sơn và nhờ gọi thêm 04 đối tượng khác (chưa xác định được lai lịch) chuẩn bị hung khí gồm 02 cây gỗ, 02 cây tuýp sắt và thuê xe ô tô cùng đi đến nhà bà Thu để giải quyết mâu thuẫn cho gia đình Nhớ. Trên đường đi Thức nói, nếu gia đình bà Thu không nhận lỗi thì đánh dằn mặt.

Khoảng 21 .giờ cùng ngày, cả nhóm đến nhà bà Tô Thị Thu. Tại đây Thức hỏi bà Thu vì sao đánh Nguyễn Thị Nhớ nhưng bà Thu nói không đánh, Phan Phước Sơn dùng cây tuýp sắt đánh 02 cái vào chân trái bà Thu, bà Thu kêu lên “Nỏ đánh gãy chân tao rồi” và sau đó xông vào đập vỡ cửa kính nhà bà Thu. Tiếp đến Phan Phước Sơn cùng đồng phạm đến nhà và đuổi đánh ông Hồ Văn Hoàng và bà Hồ Thị Tuất (người nhà bà Thu) và đập vỡ cửa kính nhà ông Hoàng (ông Hoàng, bà Thu không bị thương tích). Sau khi gây án, Trịnh Thị Kim Thức cùng đồng phạm ra xe ô tô về lại thành phố N. và Trịnh Thị Kim Thức đưa cho 04 thanh niên trên số tiền 2.000.000 đồng; thương tích của bà Thu được xác định 13%.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số ll/2017/HSST ngày 10/3/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đ., tỉnh P. Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, đ, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 BLHS năm 1999, xử phạt bị cáo Phan Phước Sơn 06 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích" tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với Trịnh Thị Kim Thức, Nguyễn Thị Nhớ và Nguyễn Văn Thành.

Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo Phan Phước Sơn, Trịnh Thị Kim Thức, Nguyễn Thị Nhớ và Nguyễn Văn Thành kháng cáo kêu oan; Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ., kháng nghị yếu cầu hủy bản án hình sự sơ thẩm để xét lại theo hướng tăng hình phạt đối với các bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát rút toàn bộ Quyết định kháng nghị phúc thẩm. Bản án phúc thẩm số 96/2017/HSPT ngày 12/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh P., tuyên không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo; giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm nêu trên (không đề cập đến việc rút kháng nghị của Viện kiểm sát).

Ngày 05/2/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng ban hành kháng nghị đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm nêu trên để xét xử lại. Tại Quyết định giám đốc thẩm ngày 21/01/2019, của ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát tuyên hủy 02 Bản án nêu trên.

Xác định người gây thương tích cho bị hại là căn cứ quan trọng để xét xử - Trong vụ án cố ý gây thương tích

2/ Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Một là, trong vụ án việc xác định thương tích của người bị hại (bà Thu) do ai gây ra là một trong những căn cứ quan trọng để xét xử các bị cáo. Tuy vào thời gian trước đó (khi xô xát với bà Nhớ), bà Thu có bị ngã nhưng sau đó bà Thu vẫn đi lại bình thường, còn sau khi bị Phan Phước Sơn đánh Bà không đi lại được. Căn cứ vào lời khai nhân chứng và bản Kết luận giám định thương tích của Trung tâm giám định pháp y thì có căn cứ xác định, thương tích của bà Thu do chính bị cáo Sơn gây ra, phù hợp với lời khai bà Thu khi bị Sơn đánh bà kêu lên “Nó đánh gãy chân tao rồi”. Do đó, việc Bản án nhận định thương tích của bà Thu (13%) không do bị cáo Sơn gây ra mà do bà Thu tự ngã là không có căn cứ, không phù hợp với các tài liệu chứng cứ khách quan của vụ án;

Hai là, Bản án sơ thẩm xét xử các bị cáo Phan Phước Sơn, Trịnh Thị Kim Thức, Nguyễn Vãn Thành và Nguyễn Thị Nhớ về tội “Cố ý gây thương tích” là có căn cứ, nhưng việc tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với Trịnh Thị Kim Thức, Nguyễn Thị Nhớ và Nguyễn Văn Thành là không đúng pháp luật, bởi lẽ: Nguyên nhân xảy ra vụ án là do Nguyễn Thị Nhớ điện báo cho Thức biết mâu thuẫn xảy ra với nhà bà Thu và sau khi nhận được thông tin trên thì chính Trịnh Thị Kim Thức là người chuẩn bị về lực lượng, hung khí và trực tiếp thuê xe ô tô dẫn đầu cả nhóm cùng đi; sau khi thực hiện hành vi phạm tội Thức là người trả tiền cho 04 thanh niên đi cùng; các bị cáo Phan Phước Sơn, Nguyễn Văn Thành là những người thực hành tích cực, Phan Phước Sơn là người trực tiếp gây ra thương tích đối với bà Hồ Thị Thu. Vụ án có tính chất băng nhóm, côn đồ hung hãn và manh động, nhưng khi xét xử cấp sơ thẩm lại không đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội của từng bị cáo, hậu quả gây ra, tuyên phạt Phan Phước Sơn 06 tháng tù dưới khung hình phạt là mức án quá nhẹ, không có tác dụng răn đe, giáo dục phòng ngừa chung và tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo Trịnh Thị Kim Thức, Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Thị Nhớ thiếu căn cứ; khi xét xử cấp phúc thẩm không khắc phục được những thiếu sót của bản án sơ thẩm mà vẫn tuyên y án là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Ngoài ra, Bản án còn có những vi phạm nghiêm trọng khác, như: Tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo Trịnh Thị Kim Thức, Nguyễn Thị Nhớ, Nguyễn Văn Thành nhưng không áp dụng Điều 25 Bộ luật hình sự năm 1999. Biên bản nghị án của Hội đồng xét xử phúc thẩm không thể hiện kết quả biểu quyết của các thẩm phán; Bản án phúc thẩm ghi nhận những nội dung trình bày của Giám định viên không đúng với những nội dung trả lời tại phiên tòa phúc thẩm; Biên bản phiên tòa phúc thẩm không ghi nhận ý kiến của Kiểm sát viên về rút Quyết định kháng nghị phúc thẩm và bản án phúc thẩm cũng không Quyết định đình chỉ đối với phần rút kháng nghị phúc thẩm của Viện kiếm sát.

Vụ án nêu trên có nhiều sai sót khi giải quyết, thấy có phần lỗi của Kiểm sát viên chưa làm tốt nhiệm vụ được giao.

Thông qua vụ án, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nằng thông báo để các Viện kiểm sát địa phương nghiên cứu, rút kinh nghiệm nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác giải quyết các vụ án hình sự./.

أحدث أقدم

Quảng cáo Desktop

CHỦ ĐỀ HÓT