Vướng mắc khi áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra


Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực được gần hai năm. Về cơ bản, các quy định của Bộ luật đều rõ ràng và được áp dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên, vẫn còn những quy định chưa rõ ràng, dẫn đến nhận thức khác nhau khi áp dụng.

Theo quy định tại Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự thì các biện pháp ngăn chặn bao gồm 07 biện pháp, đó là: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm và tạm hoãn xuất cảnh.

Đối với các biện pháp ngăn chặn tạm giữ, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh đều được xác định rõ thời hạn trong các điều luật tương ứng và theo nguyên tắc không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án tùy theo từng loại tội phạm và trong từng giai đoạn tố tụng.

Đối với biện pháp ngăn chặn tạm giam, trong giai đoạn truy tố, xét xử (kể cả trường hợp điều tra bổ sung, phục hồi điều tra, điều tra lại) được quy định tại Điều 241 và Điều 278 BLTTHS cũng được xác định rõ thời hạn và đều không được vượt quá thời hạn quyết định việc truy tố quy định tại khoản 1 Điều 240 và thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS.

Đối với biện pháp tạm giam trong giai đoạn điều tra, hiện còn vướng mắc về thời hạn trong một số trường hợp cụ thể do chưa có điều luật quy định cụ thể, rõ ràng, dẫn đến còn có quan điểm nhận thức và áp dụng khác nhau. Cụ thể là:

Quan điểm thứ nhất: Điều 119 BLTTHS quy định về căn cứ, thẩm quyền để áp dụng biện pháp tạm giam và trách nhiệm của CQĐT sau khi áp dụng biện pháp ngăn chặn này; Điều 172 và Điều 173 BLTTHS quy định về thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra đối với từng loại tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, các điều luật này không quy định thời hạn tạm giam để điều tra được tính từ khi nào và kết thúc khi nào. Điều này dẫn đến có thể hiểu là: Về nguyên tắc, tổng thời hạn tạm giam để điều tra không được vượt quá thời hạn điều tra đối với từng loại tội phạm và thời hạn đó tính theo thời hạn tạm giam thực tế mà không phụ vào thời hạn điều tra.

Ví dụ: Đối với tội phạm ít nghiêm trọng, thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam đều không quá 02 tháng. Trong trường hợp bị can có bị tạm giữ, khi khởi tố bị can đủ điều kiện áp dụng biện pháp tạm giam, CQĐT ra lệnh tạm giam và đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn. Trong trường hợp này, thời hạn và cách ghi thời hạn trong lệnh tạm giam được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 17 Thông tư liên tịch số 04/2018 của Liên ngành trung ương (không quá 02 tháng và phải trừ đi thời hạn đã tạm giữ);

Trong trường hợp bị can bị tạm giữ 06 ngày, sau đó được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú và sau 01 tháng kể từ ngày khởi tố vụ án, khởi tố bị can, CQĐT ra lệnh bắt bị can để tạm giam. Trong trường hợp này, thời hạn ghi trong lệnh bắt bị can để tạm giam (và cũng là thời hạn tạm giam bị can nếu bắt được ngay) là 01 tháng 24 ngày. Việc áp dụng thời hạn tạm giam để điều tra như trên vẫn bảo đảm quy định tại Điều 173 BLTTHS (không quá 02 tháng) và đúng với Ví dụ 2 được nêu tại Điều 17 Thông tư liên tịch số 04/2018.

Quan điểm thứ hai: Về thực tiễn, tại các hội nghị tập huấn thi hành BLTTHS và quan điểm chỉ đạo nói chung, thời hạn tạm giam để điều tra vụ án hình sự đều không được vượt quá thời hạn điều tra (không tính thời gian gia hạn) tùy theo từng loại tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự. Mặt khác, tất cả các biện pháp ngăn chặn khác đều thực hiện theo nguyên tắc này; bản thân các biện ngăn chặn được áp dụng là để điều tra vụ án nên không có lý gì, khi thời hạn điều tra vụ án đã hết mà thời hạn tạm giam bị can vẫn còn; việc áp dụng quan điểm này còn nhằm để tránh kéo dài thời hạn điều tra, bảo đảm quyền con người quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Để chứng minh cho quan điểm này, hiện nay chỉ có thể áp dụng trên tinh thần quy định tại Điều 14 Thông tư liên tịch số 04/2018 ngày 19/10/2018 của Liên ngành trung ương Quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS và Công văn số 5024/VKSTC-V14 ngày 19/11/2018 của VKSND tối cao Giải đáp vướng mắc liên quan đến quy định của BLTTHS và nghiệp vụ THQCT, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự trong ngành KSND. Cụ thể:

Điều 14 Thông tư liên tịch số 04/2018 quy định cách tính thời hạn tố tụng trong trường hợp nhập vụ án hình sự, bị can phạm vào tội nặng hơn hoặc nhẹ hơn, khởi tố bổ sung về một tội phạm khác, theo đó, khi tính thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam trong các trường hợp cụ thể thì đều phải trừ đi thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam đã áp dụng trước đó và đều không được vượt quá thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam quy định tại Điều 172, Điều 173 BLTTHS (Thông tư có nêu ví dụ cụ thể).

Tại mục 31 (áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị can khi tạm đình chỉ điều tra vụ án) Công văn số 5024/VKSTC-V14 của VKSND tối cao xác định “Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 229, điểm khoản 1 Điều 247 BLTTHS năm 2015, khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả mà đã hết thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố thì phải tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án. Hết thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố thì cũng hết thời hạn tạm giam trong các giai đoạn này (bởi thời hạn tạm giam không thể dài hơn thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố), do đó phải hủy bỏ biện pháp tạm giam. 

Áp dụng quan điểm này vào trường hợp được ví dụ nêu trên: Trong trường hợp tạm giữ sau đó chuyển tạm giam thì vận dụng theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 04/2018 (Ví dụ 1). Trường hợp đã tạm giữ 06 ngày rồi áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, trong quá trình điều tra mà bắt tạm giam đối với bị can (hoặc cần bắt tạm giam bị can, hoặc bắt bị can bị truy nã) thì thời hạn tạm giam để điều tra không được vượt quá thời hạn điều tra còn lại.


Như vậy, nếu theo quan điểm thứ hai, thì Ví dụ 2 được nêu tại Điều 17 Thông tư số 04/2018 là không chính xác, trái với nguyên tắc “thời hạn tạm giam không được quá thời hạn điều tra”, bởi lẽ: Theo Ví dụ này, sau khi tạm giữ 06 ngày, CQĐT áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can thì đương nhiên vụ án đã được khởi tố và thời hạn điều tra vụ án được tính từ ngày này. Do vậy, khi thực hiện bắt bị can để tạm giam thì thời hạn điều tra đã thực hiện được 01 tháng; thời hạn tạm giam còn lại không thể quá 01 tháng (nếu bắt được bị can ngay) và nếu chưa bắt được bị can ngay thì thời hạn tạm giam sẽ được trừ lùi dần vào thời hạn điều tra. Thiết nghĩ, Liên ngành trung ương cũng cần xem xét, sửa đổi Thông tư 04/2018 để làm cơ sở áp dụng BLTTHS và tạo sự thống nhất trong nhận thức.

Tác giả bài viết đồng tình với quan điểm thứ hai./.

أحدث أقدم

Quảng cáo Desktop

CHỦ ĐỀ HÓT