Giải đáp một số khó khăn liên quan đến thi hành án hình sự


1. Ngoài hình phạt chính là hình phạt tù có thời hạn, A còn bị hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, thời hạn là 03 năm kể tù ngày chấp hành xong hình phạt tù. Do mức hình phạt tù bằng thời hạn đã tạm giữ, tạm giam nên Tòa án không ra quyết định thi hành án mà chỉ ra thông báo cho các cơ quan có liên quan về việc cấm A đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn trên. Việc Tòa án chỉ ra thông báo như vậy có đúng không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, thời hạn chấp hành hình phạt bổ sung được ghi rõ tại quyết định thi hành án phạt tù. Mặc dù, theo quy định tại khoản 5 Điều 328 và Điều 363 BLTTHS năm 2015 thì trường hợp này người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt tù Tòa án đã tuyên, thuộc trường hợp bản án được thi hành ngay, pháp luật cũng không có quy định cụ thể bắt buộc trường hợp này phải ra quyết định thi hành án phạt tù. Tuy nhiên, để có cơ sở cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù, thi hành hình phạt bổ sung, xóa án tích..., trong trường hợp nêu trên Tòa án vẫn phải thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, theo đó, Tòa án vẫn ra quyết định thi hành án phạt tù đối với A.

2. A được tha tù trước thời hạn có điều kiện, thời gian thử thách là 03 năm. Hết 03 năm, Cơ quan thi hành án hình sự mới có đề nghị hủy bỏ quyết định này đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Vậy, Tòa án có mở thủ tục xem xét đề nghị này nữa không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện thì: “Trong thời gian thử thách, theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án đã ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể hủy bỏ quyết định này đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt còn lại chưa chấp hành, nếu họ cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trở lên”. Như vậy, nếu sau khi hết thời gian thử thách, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền mới có đề nghị Tòa án đã ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện hủy bỏ quyết định này đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thì Tòa án không xem xét đề nghị hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó.

3. Các trường hợp đã và đang thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn nghĩa vụ cấp dưỡng mà đến thời điểm xét, có đơn cam kết sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo đúng quy định thì có được xem xét để lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện không?

Trả lời:

Về nguyên tắc, xét tha tù trước thời hạn có điều kiện, ngoài việc đủ điều kiện về thời gian chấp hành án, thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, có nơi cư trú rõ ràng, được xếp loại cải tạo khá, tốt thì người được xét tha tù phải thỏa mãn điều kiện “đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí” theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 66 BLHS năm 2015.

Trường hợp có nghĩa vụ bồi thường là cấp dưỡng cho người mà bị hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, phải có tài liệu xác nhận đã thực hiện việc cấp dưỡng đúng thời hạn, đầy đủ theo quyết định của bản án tuyên và có đơn cam kết sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo đúng quy định thì được coi là đã chấp hành xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. 

Do vậy, các trường hợp đã và đang thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn nghĩa vụ cấp dưỡng đến thời điểm xét, có đơn cam kết sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo đúng quy định thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc lập hồ sơ đề nghị, xem xét và quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện khi có đủ điều kiện khác theo quy định của BLHS.


4. Khi quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo, cơ quan có thẩm quyền có cần xem xét điều kiện chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại không?

Trả lời: 

Các điều kiện sau đây: “Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo đã chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 87 của Luật này; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, trật tự được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng".

Khoản 2 Điều 87 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định nghĩa vụ của người được hưởng án treo: “Thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ hồi thường thiệt hại, trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận".

Như vậy, khi quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét điều kiện: chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

Mới hơn Cũ hơn

Quảng cáo Desktop

CHỦ ĐỀ HÓT