Khái quát chung Chương XIV: Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người


1. Khái niệm

Điều 19 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”; Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: (1) Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; (2) Không ai bị bất nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.

Để bảo đảm thực hiện các nguyên tắc được Hiến pháp ghi nhận, BLHS 2015, sửa đổi 2017 đã dành một chương riêng quy định những hành vi xâm phạm đến quyền sống quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người là tội phạm và quy định hình phạt áp dụng đối với người có hành vi phạm tội.

Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người là những hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện có lỗi, gây tổn hại hoặc đe dọa đến quyền sống, quyền được bảo hộ về sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người.

Điều 19 và Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật"; "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự nhân phẩm.

Để đảm bảo thực hiện các nguyên tắc được Hiến pháp ghi nhân, BLHS năm 1985, BLHS 1999 trước đây cũng như BLHS năm 2015 hiện hành đã dành  một chương riêng quy định những hành vi xâm phạm đến quyền sống, quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người là phạm tội và quy định hình phạt áp dụng đối với người có hành vi phạm tội.

Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người là những hành vi nguy hiếm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, có lỗi, gây tổn hại hoặc đe dọa đến quyền sống, quyền được bảo hộ về sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.

2. Dấu hiệu pháp lý

a. Khách thể của tội phạm

Các tội phạm ở chương này xâm phạm đến quyền sống, quyền được bảo hộ về sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Cuộc sống của con người được tính từ thời điểm được sinh ra cho đến khi chết. Như vậy, không coi một người đang sống khi chưa lọt lòng mẹ (còn ở trong bào thai) hoặc khi người đó không còn khả nàng tiếp nhận những yếu tố bảo đảm sự sống, tức là khi họ chỉ còn là xác chết.

Sức khỏe của con người là tình trạng sức lực của con người đang sống trong điều kiện bình thường, là trạng thái tâm sinh lý, sự hoạt động hài hòa trong cơ thể cả về thần kinh và cơ bắp, tạo nên khả năng chống lại bệnh tật. Hành vi xâm phạm sức khỏe con người là hành vi dùng tác động ngoại lực hoặc bất kỳ hình thức nào làm cho người đó yếu đi hoặc gây nên những tổn thương ở các bộ phận trong cơ thể, gây bệnh tật, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người đó. Nó làm tổn hại đến khả năng suy nghĩ, học tập, lao động, sáng tạo của nạn nhân.

Nhân phẩm, danh dự con người là những yếu tố về tinh thần, bao gồm phẩm giá giá trị, sự tôn trọng, tình cảm yêu mến của những người xung quanh, của xã hội đối với người đó. Hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người là làm cho người đó bị xúc phạm, tổn thương về tinh thần và xấu hổ đối với những người xung quanh, người trong gia đình, tập thể, trong nhân dân, trong xã hội tùy thuộc vào vị thế vai trò và nhiệm vụ, tuổi tác của người đó và mức độ của hành vi phạm tội.

b. Mặt khách quan của tội phạm .

Các tội phạm ở Chương này được thể hiện ở những hành vi nguy hiểm cho xã hội trực tiếp hoặc gián tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Đa số những hành vi nguy hiểm được thực hiện bằng hành động cụ thể, có thể sử dụng các loại công cụ, phương tiện khác nhau tạo nên sự tác động vật chất vào thân thể của con người, gây ra những tổn hại cho người đó. Đối với các hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người thường được thể hiện bằng lời nói, cử chỉ xâm phạm đến nhân phẩm, uy tín, danh dự của người bị hại.

Trong một số tội phạm ở Chương này, hành vi phạm tội thể hiện bàng không hành động, tức là không làm một việc theo trách nhiệm phải làm, đã gây nên những tổn hại nhất định cho người bị hại. Ví dụ: hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 132) v.v...

Hậu quả nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm này là những tổn hại về thể chất như gây chết người; gây tổn hại về sức khỏe; gây rối loạn tâm thần và hành vi; cách ly trẻ em khỏi sự quản lý của gia đình hoặc người thân; mua, bán người; truyền bệnh nguy hiểm cho người khác, v.v... hoặc gây tổn hại về tinh thần như xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của con người... Đa số các tội phạm có cấu thành vật chất, tức là phải có hậu quả xảy ra thì tội phạm mới được coi là hoàn thành. Để truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội này cần làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả xảy do chính hành vi phạm tội đó gây ra.

c. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định. Tuy vậy, có một số tội phạm ngoài dấu hiệu chung ra còn có các dấu hiệu đặc biệt, như người đang thi hành công vụ (Điều 127, Điều 137); người có quyền hành nhất định đối với người bị lệ thuộc (Điều 130, Điều 140) người mắc bệnh HIV (Điều 148)...

d. Mặt chủ quan của tội phạm

Phần lớn các tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý (trực tiếp) như tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác Tuy vậy, cũng có tội phạm được thực hiện do lỗi vô ý như: tội vô ý làm chết người (Điều 128); vô ý gây thương tích hoặc tổn hại nặng cho sức khỏe của người khác (Điều 138)... Ngoài ra, một số tội phạm ở Chương này còn được thực hiện do lỗi cố ý (gián tiếp) như tội bức tử (Điều 130), tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 137).

Ở một số tội, mục đích và động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội phạm như: tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 126); tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 136). Ngoài ra BLHS còn quy định động cơ hoặc mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tăng nặng ở một số cấu thành tăng nặng như: vì động cơ đê hèn (điểm q khoản 1, Điều 123 Tội giết người; điểm g, khoản 2 Điều 151 – Tội mua bán người dưới 16 tuổi); để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân (điển h, khoản 1 Điều 123Tội giết người); để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác (điểm d, khoản 2 Điều 133 – Tội đe dọa giết người); để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mực đích vô nhân đạo khác (điểm b, khoản 1 Điều 150 - Tội mua bán người; điểm b khoản 2 Điều 151 - Tội mua bán người dưới 16 tuổi); vì mục đích thương mại (điểm b khoản 2 Điều 154 - Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người)... Đối với các tội khác, động cơ, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc.

3. Những điểm mới trong BLHS năm 2015

a. Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người quy định tại Chương XIV gồm: 34 điều từ Điều 123 đến Điều 156. Như vậy so với quy định của BLHS năm 1999 thì tăng 4 điều, trong đó 2 điều quy định mới đó là Điều 147 “Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” và Điều 154 “Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người”. Điều 120 BLHS năm 1999 “tội mua bán, đánh trảo hoặc chiếm đoạt trẻ em” tách làm 3 điều quy định 3 tội độc lập. Cụ thể là: Điều 151 “Tội mua bán người dưới 16 tuổi”; Điều 152 “Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi”; Điều 153 “Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi”.

Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được sửa lại là: Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được sửa lại là: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.

BLHS năm 1999 quy định các hành vỉ phạm tội đối với trẻ em như trong các tội “tội hiếp dâm trẻ em; tội cưỡng dâm trẻ em; tội giao cấu với trẻ em; tội dâm ô đối với trẻ em” được sửa lại quy định cụ thể thay thuật ngữ ‘trẻ em” bằng cụm từ “người dưới 16 tuổi” hoặc “người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” trong các tội danh tương ứng.

Bổ sung tình tiết cấu hình tăng nặng định khung “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%” và tình tiết “Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên. Bỏ hình phạt cảnh cáo và bổ sung hình phạt tiền hoặc quy định tăng nặng hình phạt tiền đối với một số tội (có 11 tội quy định hình phạt tiền là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung, mức thấp nhất là 5.000.000 đồng, mức cao nhất là 200.000.000 đồng); bổ sung hình phạt tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản trong một sô tội.

b So với BLHS năm 2015 Luật sửa đổi bổ sung BLHS (2017), các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm danh dự của con người được sửa đổi, bổ sung 8 điều gồm các Điều 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 153; bổ sung hoặc bỏ một số tình tiết tăng nặng định khung; chỉnh sửa các cụm từ cho chính xác, chặt chẽ; điều chỉnh tình tiết gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 45% tăng lên từ 31% đến 60%, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên sửa thành 61% trở lên, đồng thời nhập với tình tiết gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác làm một tình tiết định khung; tăng nặng một số khung hình phạt.

Mới hơn Cũ hơn

Quảng cáo Desktop

CHỦ ĐỀ HÓT